Bệnh viện tâm thần trung ương 2
 
  TRANG CHỦ    LIÊN HỆ    GÓP Ý     ĐĂNG NHẬP
 LIÊN KẾT WEBSITE
 THỐNG KÊ WEBSITE
Lượt truy cập: 000000
  Thời sự y dược
NGÀY THẾ GIỚI NHẬN THỨC TỰ KỶ “GIÁO DỤC HÒA NHẬP CHẤT LƯỢNG CHO TẤT CẢ”

Ngày 02/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.

Theo nghiên cứu mới nhất tháng 3 năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên thế giới cứ 100 trẻ em  thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tự kỷ là một rối loạn, không phải là bệnh và không lây lan từ người này sang người khác. Vì thế, hiểu đúng về tự kỷ sẽ giúp chúng ta phát hiện và can thiệp sớm giúp trẻ không bị bỏ lỡ “Thời gian vàng” – tức là được can thiệp trước 3 tuổi, hạn chế sự kỳ thị và áp lực đối với trẻ và gia đình, từ đó giúp nâng cao chất lượng sống.

1.     Tự kỷ là gì?

Tự kỷ là một rối loạn xuất hiện sớm trong quá trình phát triển của não bộ, biểu hiện bằng sự suy giảm rõ rệt khả năng tương tác xã hội, giao tiếp và hành vi, sở thích thu hẹp và rập khuôn. Trên thực tế, nhiều trường hợp trẻ bị tự kỷ nhưng phụ huynh không nhận biết và chỉ đưa trẻ đến phòng khám vì lý do ‘chậm nói’. Điều này khiến cho việc can thiệp cho trẻ bị chậm trễ và hiệu quả không cao. Nếu không được can thiệp sớm đúng phương pháp, vấn đề tự kỷ có thể làm cho trẻ chịu những hệ quả rất nặng nề như không nói được, không giao tiếp được, không tự phục vụ bản thân được, khó khăn trong hòa nhập với thế giới xung quanh, gây ảnh hưởng đến khả năng thích ứng xã hội của trẻ khi trưởng thành.

2.     Nguyên nhân

Cho đến nay, nguyên nhân của chứng tự kỷ ở trẻ em chưa được biết một cách chính xác. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy có nhiều yếu tố góp phần vào việc hình thành chứng tự kỷ ở trẻ bao gồm:

- Di truyền: khoảng 80% rối loạn phổ tự kỷ xuất hiện do thừa hưởng gen di truyền.

- Phối hợp với một số bệnh lý (hội chứng X mỏng giòn, rubella bẩm sinh,...).

- Những rối loạn khác đi kèm: trẻ chậm phát triển trí tuệ (50%), động kinh (30%), tăng động giảm chú ý.

- Mẹ sinh con trong độ tuổi từ 35 trở lên, chuyển dạ sớm và sinh non, gặp những biến chứng khi sinh, cân nặng của trẻ khi sinh thấp.

- Yếu tố môi trường được ghi nhận: thời kỳ mang thai mẹ thường xuyên tiếp xúc với nhiều chất độc hại như thuốc lá, rượu bia, ma túy...làm tăng nguy cơ trẻ tự kỷ sau khi sinh ra. Trẻ tiếp xúc thường xuyên hóa chất độc hại, sự ô nhiễm môi trường, gia đình bỏ mặc ít dạy dỗ quan tâm yêu thương...cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ.

3.     Triệu chứng

Các triệu chứng liên quan đến tự kỷ có thể được phát hiện rất sớm ngay từ khi trẻ 6 tháng tuổi. Một số các triệu chứng sớm phổ biến cho phép nghi ngờ tự kỷ như:

Thiếu hụt những kỹ năng tương tác xã hội:

o  Trẻ ít giao tiếp bằng mắt.

o  Ít đáp ứng khi gọi tên.

o  Không có những cử chỉ điệu bộ giao tiếp: không biết chỉ tay, không biết đưa tay xin mà hay kéo tay người khác, không gật đầu lắc đầu.

o  Trẻ kém chú ý liên kết: không nhìn theo tay chỉ, không làm theo hướng dẫn. Trẻ không chơi tương tác với trẻ cùng tuổi, không mỉm cười đáp lại. Trẻ không để ý đến thái độ và không đáp ứng trao đổi tình cảm với người khác.

Những biểu hiện bất thường về ngôn ngữ và giao tiếp:

o  Chậm nói, trẻ không nói hoặc nói ít, phát âm vô nghĩa.

o  Nói nhại lời, nói theo quảng cáo, hát hoặc đọc thuộc lòng, đếm số, đọc chữ cái, hát nối từ cuối câu.

o  Chỉ nói khi có nhu cầu thiết yếu như đòi ăn, đòi đi chơi.

o  Ngôn ngữ thụ động: chỉ biết trả lời mà không biết hỏi, không biết kể chuyện, không biết khởi đầu và duy trì hội thoại, không biết bình phẩm.

o  Giọng nói khác thường: như cao giọng, thiếu diễn cảm, nói nhanh, nói ríu lời, nói không rõ ràng.

o  Trẻ không biết chơi trò chơi giả vờ mang tính xã hội hoặc trò chơi có luật như những trẻ cùng tuổi.

-         Những biểu hiện bất thường về hành vi: có những hành vi định hình như đi kiễng gót, quay tròn người, ngắm nhìn tay, nhìn nghiêng, lắc lư người, nhảy lên nhảy xuống.

-         Những thói quen thường gặp là: quay bánh xe, quay đồ chơi, gõ đập đồ chơi, nhìn các thứ chuyển động, đi về theo đúng một đường, ngồi đúng một chỗ, nằm đúng một vị trí, đóng mở cửa nhiều lần, giở sách xem lâu, luôn bóc nhãn mác, bật nút điện, bấm vi tính, bấm điện thoại, tháo rời đồ vật tỉ mỉ, xếp các thứ thành hàng.

-         Những ý thích bị thu hẹp thể hiện như: cuốn hút nhiều giờ xem ti vi quảng cáo, luôn cầm nắm một thứ trong tay như bút, que, tăm, giấy, chai lọ, đồ chơi có mầu ưa thích hoặc có độ cứng mềm khác nhau.

Nói chung trẻ tìm kiếm sự an toàn trong môi trường ít biến đổi và thường chống đối lại sự thay đổi hoặc không vừa ý bằng ăn vạ, ném phá, cáu gắt, đập đầu, cắn hoặc đánh người. Nhiều trẻ có biểu hiện tăng động, ngược lại, một số trẻ lại sợ hãi lo lắng quá mức. Nhiều trẻ ăn uống khó khăn như ăn không nhai, chỉ ăn một số thức ăn nhất định. Một số trẻ có khả năng đặc biệt như có trí nhớ thị giác không gian và trí nhớ máy móc rất tốt, bắt chước thao tác với đồ vật rất nhanh nên dễ nhầm tưởng là trẻ quá thông minh.

4.     Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thường có một số dấu hiệu chậm phát triển trước 2 tuổi. Nếu phụ huynh lo lắng về sự phát triển của con mình hoặc nghi ngờ trẻ có thể mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra, tìm nguyên nhân và điều trị sớm. Bởi các triệu chứng liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ có thể liên quan đến những rối loạn phát triển khác.

 Các dấu hiệu chỉ báo nguy cơ của tự kỷ:

-         Trẻ không phản hồi lại biểu cảm vui vẻ khi được 6 tháng tuổi.

-         Trẻ không bắt chước âm thanh hoặc nét mặt của người thân khi được 9 tháng tuổi.

-         Trẻ không bập bẹ hoặc nói chuyện khi được 12 tháng tuổi.

-         Trẻ không có các cử chỉ, chẳng hạn như chỉ trỏ hoặc vẫy tay khi được 14 tháng.

-         Trẻ không nói được một từ nào khi được 16 tháng tuổi.

-         Trẻ không bắt chước hành động của người lớn khi được 18 tháng tuổi.

-         Trẻ không nói được cụm từ nào khi được 24 tháng tuổi.

Trẻ mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội ở mọi lứa tuổi.

5.     Điều trị

Trẻ được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời giúp làm tăng khả năng cải thiện triệu chứng và giảm khả năng xuất hiện các bất thường không đáng có (rối loạn hành vi, chậm phát triển, rối loạn giấc ngủ …) trong những năm tiếp theo của cuộc đời.

 “Can thiệp sớm” – can thiệp ngay khi phát hiện những khó khăn của trẻ chứ không đợi chẩn đoán chắc chắn trẻ có tự kỷ hay không. Can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, tăng chất lượng cuộc sống của trẻ và gia đình. Việc này thường được thực hiện trước khi trẻ 5 tuổi, và tốt nhất là trước 3 tuổi (thời gian vàng). Vì vậy, sau khi trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ cần được giải thích về quy trình can thiệp và hướng dẫn các biện pháp can thiệp sớm phù hợp.

-         Nâng cao kỹ năng xã hội cho trẻ:

o  Chương trình giáo dục nên bắt đầu càng sớm càng tốt nhất là khi trẻ ở lứa tuổi từ 2 đến 4 tuổi. Chương trình can thiệp sớm cho trẻ trước 5 tuổi: bao gồm dạy trẻ và tư vấn cho gia đình. Giáo dục, huấn luyện và trợ giúp cho cha mẹ cần được tiến hành thường xuyên. Trẻ tự kỷ vẫn cần được hỗ trợ về giáo dục thậm chí cả khi ngôn ngữ phát triển gần như bình thường. Dạy trẻ tại nhà theo chương trình cá biệt hóa, cung cấp cho trẻ thông tin thị giác, cấu trúc và dự đoán.

o  Những trẻ lớn và trẻ vị thành niên với trí tuệ khá cao nhưng kỹ năng xã hội nghèo nàn và có một số triệu chứng tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh nghi thức cần được điều trị tâm lý, hành vi nhận thức và bằng thuốc.

o  Hiện không có thuốc đặc hiệu điều trị tự kỷ mà chỉ dùng thuốc điều trị một số triệu chứng kèm theo. Một số thuốc an thần kinh có tác động làm giảm hành vi tăng động, cơn hờn giận, hung tính, tự gây thương tích, hành vi định hình, rối loạn ám ảnh nghi thức.

-         Tạo môi trường sống thích hợp:

o  Cha mẹ được khuyến khích chủ động trong việc sắp xếp thời gian, bố trí môi trường, lựa chọn giải pháp can thiệp cho trẻ. Cha mẹ cũng cần nhận thức rõ những khó khăn của trẻ, điểm mạnh điểm yếu, sở thích và nhu cầu của trẻ để từ đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp với trẻ.

o  Cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình có thể học cách chơi và tương tác với con theo những cách thúc đẩy kỹ năng tương tác xã hội, quản lý hành vi cũng như dạy kỹ năng sống và giao tiếp hàng ngày.

o  Trẻ rất cần tình yêu thương, sự quan tâm từ cha mẹ và người thân. Đừng mặc cảm, không chủ quan, không bỏ rơi trẻ và cũng đừng để cho ai kỳ thị trẻ. Cha mẹ hãy kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, luôn ở bên con và dành thời gian dạy con. Công việc chữa trị cần một quá trình lâu dài, kiên trì, bền bỉ cùng sự phối hợp chặt chẽ của cả cha mẹ, gia đình, giáo viên, cộng đồng… mới có thể mang lại hiệu quả tốt, không thể chỉ dùng thuốc chữa trị như các bệnh khác.

Cha mẹ cần theo dõi tình trạng tự kỷ của trẻ một cách kỹ càng, trao đổi với bác sĩ, chuyên gia tâm lý, giáo viên mẫu giáo, thực hiện đúng theo những lời khuyên và hướng dẫn trị liệu về việc chăm sóc và giáo dục trẻ.

6.     Tiến triển và tiên lượng

Trẻ thường đi học muộn hơn, ít hòa nhập với bạn, khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp, khó khăn về học tập nhất là những môn xã hội. Trẻ tự kỷ nặng cần được giáo dục đặc biệt, trẻ tự kỷ nhẹ có thể đi học hòa nhập. Khi trẻ lớn lên một số triệu chứng có thể thay đổi, một số có thể có hành vi tự gây thương tích. Một số trẻ có ngôn ngữ giao tiếp sau này lớn lên có thể sống tự lập có việc làm, tuy nhiên vẫn thường cô độc trong cộng đồng. Nhiều người tự kỷ khác sống phụ thuộc vào gia đình hoặc cần được đưa vào trung tâm.

7.     Phòng bệnh

-       Đảm bảo thai sản an toàn của người mẹ;

-       Hạn chế sinh con khi bố mẹ cao tuổi;

-       Tránh các yếu tố bất lợi của môi trường sống;

Quan tâm tác động sớm tới trẻ trong chơi tương tác, vận động, phát triển giao tiếp.

Tóm lại: Khi nghi ngờ trẻ bị tự kỷ, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là tìm đến các bác sĩ để được tư vấn. Điều trị sớm sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Tùy từng mức độ, tình trạng của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau, bao gồm cả điều trị bằng thuốc và tâm lý học. 

Phương pháp chữa trị tốt nhất để cải thiện tình trạng của trẻ là sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của cha mẹ, gia đình và người thân. Sự quan tâm, chăm sóc không chỉ thể hiện bằng tình yêu, mà còn là sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ. Gia đình đồng hành cùng trẻ vượt qua những thử thách khó khăn, để trẻ có thể hòa nhập được với xã hội.

 TIN ĐƯỢC QUAN TÂM
Các rối loạn tư duy (27/3)
Các rối loạn cảm xúc (27/3)
Đại cương về Tâm thần học (3/2)
Thông báo điều chỉnh kế hoạch ôn và thi tuyển sinh Chuyên khoa cấp I, II năm 2012 (6/7)
Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến hành vi phạm tội ở bệnh nhân động kinh trong giám định phám y tâm thần (23/7)
Tầm soát rối loạn lưỡng cực trên bệnh nhân trong giai đoạn mắc trầm cảm tại bệnh viện Tâm thần TW 2 (2/2)
Khái niệm căn bản về SKTT (2/2)
Các rối loạn cảm giác, tri giác (27/3)
Báo cáo thực hiện nâng cao năng lực Cán bộ Y tế tuyến Tỉnh, tuyến Huyện-Giai đoạn 2005-2010 và năm 2011 (2/2)
Ngộ độc do ăn cá lóc sống (2/2)
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
(0251)3822965
0967.921717
TIN MỚI

 
KHAI BÁO Y TẾ
ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN
THƯ VIỆN ẢNH
PHIM TƯ LIỆU
GÓC THƯ GIÃN
NHỚ VỀ BỆNH VIỆN

Đại lễ hôm nay nhớ thuở nào
Thấy tim rung động, dạ nôn nao
“Trại điên” xưa cũ còn không nhỉ?
Nơi nhốt bao người tựa nhà lao.

Xem tiếp ...
 
Cổng thông tin điện tử - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2
Bản quyền Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2
Địa chỉ: Đường Nguyễn Ái Quốc, KP7, P. Tân Phong, Tp Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai
Tel(061)3822965 - Fax(061)3819187 - Email: bvtttw2@tamthantw2.gov.vn