Bệnh viện tâm thần trung ương 2
 
  TRANG CHỦ    LIÊN HỆ    GÓP Ý     ĐĂNG NHẬP
 LIÊN KẾT WEBSITE
 THỐNG KÊ WEBSITE
Lượt truy cập: 000000
  Nghiên cứu khoa học
Tầm soát rối loạn lưỡng cực trên bệnh nhân trong giai đoạn mắc trầm cảm tại bệnh viện Tâm thần TW 2
I-ĐẶT VẤN ĐỀ.
Rối loạn cảm xúc được biết từ thời xa xưa, các thuật ngữ như thao cuồng (Mania) và sầu uất (Melancholia) đã được sử dụng từ thời Hipocrate. Theo Pinel và Esquirol ( đầu thế kỷ 18) hai trạng thái này được xem như hai trạng thái bệnh tồn tại riêng biệt và sự xen kẻ nhau trên cùng một bệnh nhân xem như là sự ngẫu nhiên. Đến năm 1854 Falret J.P lần đầu tiên mô tả hai trạng thái rối loạn trên cùng một người bệnh trong một bệnh cảnh chung được ông gọi là rối loạn tuần hoàn. Năm 1896 nhà tâm thần học nổi tiếng người Đức Kraepelin mô tả thao cuồng và sầu uất là hai hình thái đối lập nhau về rối loạn cảm xúc thống nhất trong một bệnh cảnh và đặt tên là
“ loạn thần hưng trầm cảm”- Viết tắt là PMD. Năm 1974 Dunner và Fieve đưa ra định nghĩa Rối loạn lưỡng cực chu kỳ nhanh: có ít nhất 4 cơn trầm cảm hay hưng cảm trong vòng 12 tháng. Đến năm 1980, trong bảng phân loại DSM III của hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, bệnh lý này được gọi là rối loạn lưỡng cực.
Hiện nay, phân loại rối loạn cảm xúc lưỡng cực theo DSM-IV-TR, bao gồm:

1, Rối loạn lưỡng cực I: Có ít nhất một cơn hưng cảm hoặc hỗn hợp, các cơn trầm cảm điển hình nhưng không bắt buộc.

2, Rối loạn lưỡng cực II: Có ít nhất một cơn hưng cảm nhẹ ( kéo dài ít nhất 4 ngày) và ít nhất một cơn trầm cảm điển hình, không có cơn hưng cảm.
3, Khí sắc chu kỳ: Các giai đoạn hưng cảm nhẹ và trầm cảm kéo dài( trên 2 năm), không có trầm cảm điển hình hoặc hưng cảm.
4, Rối loạn lưỡng cực không điển hình: Các cơn hưng cảm nhẹ ngắn, rải rác hoặc tái diễn ( trên vài giờ nhưng dưới 4 ngày), cơn hưng cảm nhẹ do thuốc gây ra, cơn hưng cảm nhẹ do các chất gây ra, trầm cảm tái diễn .
      Rối loạn lưỡng cực trên bệnh nhân trong giai đoạn mắc trầm cảm là giai đoạn trầm cảm trong bệnh cảnh của rối loạn lưỡng cực týp I và týp II ( gọi: trầm cảm lưỡng cực). Bệnh thường khởi phát bằng các giai đoạn trầm cảm, bệnh nhân thường bị nhiều giai đoạn trầm cảm hơn các giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đế sức khoẻ chung, khả năng tái phát cao. Bệnh thường khởi phát sớm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đỉnh điểm từ 12 đến 25 tuổi, tuổi khởi phát trung bình 21 tuổi. Khoảng 25% có cơn đầu tiên trước 20 tuổi. Trên lâm sàng rất dể chẩn đoán nhầm trầm cảm lưỡng cực với trầm cảm đơn cực vì tiêu chuẩn chẩn đoán giai đoạn trầm cảm như nhau trong ICD-10 và DSM-IV. Theo Kaplan: 30% trầm cảm đơn cực được chẩn đoán lại là trầm cảm lưỡng cực, còn theo Ghaemi và CS năm 1999: 40% trầm cảm đơn cực được chẩn đoán lại là trầm cảm lưỡng cực. Trong rối loạn lưỡng cực 30 – 60%  bệnh nhân có giai đoạn trầm cảm trước giai đoạn hưng cảm và 35% rối loạn lưỡng cực có 3 – 4 giai đoạn trầm cảm trước giai đoạn hưng cảm.
     Các tác giả cho rằng, có nhiều lý do chẩn đoán nhầm trầm cảm lưỡng cực thành trầm cảm đơn cực vì trong bệnh cảnh của rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm luôn ưu thế hơn hưng cảm về thời gian và độ nặng. Trong rối loạn lưỡng cực I, thời gian trầm cảm bằng 3:1 thời gian hưng cảm, trong rối loạn lưỡng cực II, thời gian trầm cảm bằng 37:1 thời gian hưng cảm, do đó bác sĩ  ít có cơ hội phát hiện được giai đoạn hưng cảm. Mặt khác, bác sĩ cũng chưa thực sự quan tâm đến trầm cảm lưỡng cực mà chỉ chú ý đến giai đoạn trầm cảm hiện tại nên không khai thác được tiền sử của người bệnh về hưng cảm, hưng cảm nhẹ và tiền sử gia đình về rối loạn lưỡng cực.
     Trên thế giới, chẩn đoán và điều trị trầm cảm lưỡng cực còn khó khăn và chậm trể: như ở Mỹ, 50% bệnh nhân trầm cảm lưỡng cực chưa được điều trị. Theo Ghaemi và CS năn 2000, 50% bệnh nhân trầm cảm lưỡng cực phải mất trên 5 năm mới được chẩn đoán, trong đó 35% phải mất trên 10 năm và 2/3 số bệnh nhân phải khám qua 4 bác sĩ trước khi được chẩn đoán thích hợp. Việc chẩn đoán rối loạn lưỡng cực ở trẻ em và trẻ vị thành niên càng khó khăn hơn.
     Trầm cảm lưỡng cực có nguy cơ tự sát cao, theo Hawton và cs 2005, 50% bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có mưu toan tự sát, gấp 2 lần trầm cảm đơn cực và 15% chết vì tự sát. Để phát hiện và chẩn đoán trầm cảm lưỡng cực, chúng ta cần khai thác được các giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ trong tiền sử của người bệnh. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng bảng câu hỏi rối loạn khí sắc (MDQ) và thang tầm soát hưng cảm (HCL-32-R) vì 80% bệnh nhân được phát hiện rối loạn lưỡng cực ( Týp I hoặc Týp II) khi sử dụng các bảng câu hỏi này.
     Việt Nam, chưa có nhiều thống kê và nghiên cứu về trầm cảm lượng cực do đó chúng tôi thực hiện đề tài nhằm mục tiêu:  Xác định tỷ lệ rối loạn lưỡng cực trên bệnh trong giai đoạn mắc trầm cảm và một số yếu tố liên quan.

    II-ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.
     1-Đối tượng:
         95 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán một giai đoạn trầm cảm theo tiêu chuẩn DSM-IV, đến khám tại phòng khám Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 2, từ tháng 5 năm 2010 đến tháng 5 năm 2011.
     Tiêu chuẩn chọn vào nghiên cứu:
-Bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán một giai đoạn trầm cảm theo tiêu chuẩn DSM-IV-TR.
-Bệnh nhân từ 16 tuổi trở lên.
    Tiêu chuẩn loại trừ:
-Trầm cảm sau phân liệt
- Bệnh nhân có giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ tự phát.
- Bệnh nhân không thực hiện được việc điền câu hỏi: Thang tầm soát hưng cảm (Hypomania Checklist-32R, HCL-32R) và bảng câu hỏi Rối loạn khí sắc Mood Disoder Questionnaire (MDQ).
     2-Phương pháp nghiên cứu
     2.1-Phương pháp:  Mô tả cắt ngang
     2.2-Các bước tiến hành:
-Sàng lọc bệnh nhân trầm cảm bằng thang Beck (Beck depressive Inventory)
-Làm bệnh án nghiên cứu các bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chẩn đoán một giai đoạn trầm cảm theo tiêu chuẩn DSM-IV-TR.
-Tầm soát cơn hưng cảm, hưng cảm nhẹ bằng thang điểm tự đánh giá hưng cảm nhẹ HCL-32R và bảng câu hỏi rối loạn khí sắc (MDQ)
- Bệnh nhân được cho là rối loạn lưỡng cực phát hiện bằng bộ câu hỏi HCL-32R, khi có tổng số điểm từ 14 trở lên.
- Bệnh nhân được cho là rối loạn lưỡng cực phát hiện bằng bảng câu hỏi MDQ, khi có tổng số điểm từ 7 trở lên.
- Chẩn đoán xác định một giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ theo tiêu chuẩn DSM-IV-TR.
   Các tiêu chuẩn chẩn đoán cho một giai đoạn Hưng cảm nhẹ:
A. Có một thời kỳ kéo dài ít nhất 4 ngày với khí sắc dễ cáu gắt hoặc bực bội, khí sắc hưng phấn, gia tăng, tồn tại dai dẵng và khác biệt rõ rệt với khí sắc không bị ức chế hàng ngày.
B. Trong thời gian rối loạn khí sắc, có 3 ( hoặc hơn 3 ) triệu chứng sau đây ( 4 triệu chứng nếu rối loạn khí sắc chỉ là dễ bực bội, cáu gắt ) với một mức độ đáng kể:
1) Tự đánh giá cao hoặc có ý tưởng tự cao
2) Giảm nhu cầu ngủ (ví dụ: cảm thấy khoẻ chỉ sau 3 giờ ngủ )
3) Nói nhiều hơn bình thường hoặc bắt buộc phải nói
4) Tư duy phi tán hoặc cảm thấy các ý tưởng đến dồn dập
5) Đãng trí (dễ mất chú ý vì những kích thích bên ngoài không quan trọng hoặc không liên quan)
6) Tăng các hoạt động có mục đích (trong xã hội, trong công việc hoặc học tập hoặc về tình dục) hoặc kích động tâm thần vận động
7) Tham gia quá mức các hoạt động mang lại thích thú có nhiều khả năng gây hậu quả tai hại (ví dụ: Tiêu tiền hoang phí không suy nghĩ, quan hệ tình dục bừa bãi hoặc đầu tư kinh doanh dại dột)
C. Cơn này đi kèm với một thay đổi rõ rệt trong hoạt động, làm cho bệnh nhân khác hẳn với thời kỳ không có triệu chứng
D. Rối loạn khí sắc và thay đổi trong hoạt động được nhận thấy rõ rệt bởi những người khác
E. Cơn này:
1) Không đủ nặng để gây ra sự thay đổi rõ rệt trong hoạt động nghề nghiệp hoặc giao tiếp xã hội.
2) Không cần thiết phải nhập viện Tâm thần, và
3) Không có các triệu chứng loạn thần.
F. Các triệu chứng này không phải do tác động sinh lý trực tiếp của một chất (ví dụ: lạm dụng chất gây nghiện, lạm dụng thuốc hoặc một loại điều trị khác) hoặc một bệnh cơ thể ( ví dụ: Bệnh cường giáp).
     3- Xử lý số liệu:
Thống kê y học, phần mềm SPSS 11.5.

III- KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.
1.Đặc tính nhân trắc-xã hội:
1.1- Trầm cảm với lứa tuổi.

Nhận xét:
84 % bệnh nhân bị trầm cảm trong độ tuổi từ 16 đến 44 tuổi.
1.2- Trầm cảm với giới tính.

 
Nhận xét: Với  Chi-Square = 2,368. df = 1. => p=0,124
Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, không có sự khác biệt giữa nam và nữ mắc trầm cảm.

1.3- Thời gian mắc bệnh.


Nhận xét:
65,3 % bệnh nhân mắc trầm cảm trong 1 năm và 89,4 % bệnh nhân mắc trầm cảm trong thời gian từ 1 đến 4 năm, có một bệnh nhân mắc bệnh trên 20 năm.

2.Tần xuất các triệu chứng của trầm cảm.

    
Nhận xét: 72,6% bệnh nhân có 7 triệu chứng trở lên.

3.Kết quả theo tiêu chí đánh giá chính
     (Tỷ lệ phát hiện rối loạn lưỡng cực)

      
Nhận xét:
     -Tỷ lệ lưỡng cực phát hiện bằng thang tầm soát hưng cảm HCL-32R là 30,5%
     -Tỷ lệ lưỡng cực phát hiện bằng bảng câu hỏi rối loạn khí sắc MDQ là 27,4%
     -Tỷ lệ lưỡng cực theo tiêu chuẩn của DSM-IV là 29,5%.

4. Một số tiêu chí đánh giá phụ:
4.1 Rối loạn lưỡng cực với tuổi khởi phát bệnh.

Nhận xét:
     35,6 % khởi phát trước 20 tuổi và 60,6 % rối loạn lưỡng cực khởi phát trước 25 tuổi.
4.2 Rối loạn lưỡng cực với giới tính.

   
Nhận xét:
     Với Chi-Square = 0,143, df=1. => p= 0,705. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
     Không có sự khác biệt giữa nam và nữ mắc rối loạn lưỡng cực.

5.3 Rối loạn lưỡng cực với tiền sử gia đình.

  
Nhận xét:
     21,4% bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có yếu tố tiền sử gia đình bị rối loạn lưỡng cực.

IV-BÀN LUẬN
     Qua phân tích 95 bệnh nhân trong nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có một tỷ lệ rối loạn lưỡng cực trên số bệnh nhân trong giai đoạn mắc trầm cảm. Theo nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ là 29,5%.
     Tỷ lệ này cũng tương đương với tỷ lệ mà một số tác giả nghiên cứu trước đây: Theo Kaplan, tỷ lệ là 30%. Theo nghiên cứu BRIDGE Screening programme của tác giả Nguyễn Văn Thọ và cộng sự, nghiên cứu trên bệnh nhân người Việt Nam, có tỷ lệ là 28,79%. Nhưng tỷ lệ của chúng tôi thấp hơn tỷ lệ của tác giả Ghaemi và Cs năm 1999 là 40%, nghiên cứu tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008 có tỷ lệ 45,2%. Sự khác biệt này có thể do cách đánh giá của từng giai đoạn có khác nhau.
     Về tuổi khởi phát rối loạn lượng cực, trong nghiên cứu của chúng tôi có 35,6 % bệnh nhân có cơn đầu tiên trước 20 tuổi và tới 60,6 % bệnh nhân khởi phát bệnh trước 25 tuổi. Tuổi khởi phát bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nhận định của một số tác giả đưa ra: Theo Ghaemi SN năm 2000, Rối loạn lưỡng cực thường khởi phát sớm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đỉnh điểm từ 12 đến trước 25 tuổi, tuổi khởi phát trung bình 21 tuổi.
     Về giới tính: Trong nghiên cứu của chúng tôi, không có sự khác biệt giữa nam và nữ bị rối loạn lưỡng cực. Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây.
     Về tiền sử gia đình: Qua nghiên cứu các gia đình có người bị rối loạn cảm xúc, nhiều tác giả thừa nhận yếu tố di truyền trong căn nguyên sinh bệnh rối loạn cảm xúc nhưng không phải là yếu tố độc nhất gây bệnh (Phedotov).  Một nghiên cứu trên 1020 người bị rối loạn khí sắc có 15,4 % số đó có người thân trong gia đình mắc bệnh. Trong nghiên cứu của chúng tôi có tới 21,4 % bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có tiền sử gia đình bị rối loạn lưỡng cực, tỷ lệ trong nghiên cứu của chúng tối cao hơn có thể do số lượng bệnh nhân trong nghiên cứu còn hạn chế.
     Rối loạn lưỡng cực, đặc biệt trầm cảm lượng cực đang là một khó khăn, thách thức trong việc phát hiện, chẩn đoán và cả trong điều trị. Ngay ở những nước có nền y học tiên tiến như ở Mỹ, một tỷ lệ lớn trầm cảm lưỡng cực chưa được phát hiện và chẩn đoán, điều trị đúng vẫn còn chậm trể nhiều năm. Việc chẩn đoán không đúng trầm cảm lưỡng cực đưa đến điều trị không phù hợp và kết quả gây nên cơn hưng cảm, gia tăng mức tái phát nhanh, diễn tiến bệnh xấu hơn, không đáp ứng với điều trị, nguy cơ tự sát cao. Về mặt xã hội, gây tăng chi phí điều trị, làm mất sức lao động xã hội.
       Việc điều trị rối loạn lưỡng cực, đặc biệt trầm cảm lưỡng cực vẫn là một thách thức, hiện nay chưa có một phương pháp điều trị hiệu quả đối với tất cả các pha, mà mục tiêu điều trị cuối cùng là ổn định khí sắc. Trên thế giới có nhiều hướng dẫn điều trị như: Nice 2006, Canmat 2009, WFSBP 2010, BAP 2009. Trong các hướng dẫn này, các thuốc được sử dụng hàng đầu là thuốc ổn định khí sắc: Lithium, Valproat, Lamotrigin…Tiếp đến là các thuốc an thần kinh mới như Quetiapine, Olanzapine. Riêng hướng dẫn  của WFSBP, Quetiapine được đưa lên hàng đầu. Các thuốc chống trầm cảm được dùng hạn chế hơn ngay cả trong trầm cảm lưỡng cực týp II vì nguy cơ gây chuyển pha ( Hưng cảm, trạng thái hỗn hợp), chu kỳ nhanh nguy cơ tự sát cao, trong điều trị dài hạn gây thay đổi diễn biến bệnh. Nên khi cần phối hợp với thuốc chống trầm cảm cần cân nhắc kỹ và lựa chọn thuốc chống trầm cảm ít gây chuyển pha: SSRI, Fluoxetine, Paroxetine…Để phát hiện và chẩn đoán sớm trầm cảm lưỡng cực, chúng ta nên sử dụng công cụ sàng lọc MDQ hoặc HCL-32R để phát hiện giai đoạn hưng cảm, hưng cảm nhẹ trong tiền sử của người bệnh.
V-KẾT LUẬN.
     1-Rối loạn lưỡng cực thường gặp trên bệnh nhân trong giai đoạn mắc trầm cảm. Theo nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ là 29,5%.
     2-Tỷ lệ phát hiện lưỡng cực giữa nam và nữ là tuơng đương nhau.
     3- Tuổi khởi phát: Chúng tôi nhận thấy 60,6 % bệnh nhân khởi phát bệnh trước 25 tuổi.
     4- Tiền sử gia đình: Trong nghiên cứu của chúng tôi có tới 21,4 % bệnh nhân có tiền sử gia đình bị rối loạn lưỡng cực.

 TIN ĐƯỢC QUAN TÂM
Các rối loạn tư duy (27/3)
Các rối loạn cảm xúc (27/3)
Đại cương về Tâm thần học (3/2)
Thông báo điều chỉnh kế hoạch ôn và thi tuyển sinh Chuyên khoa cấp I, II năm 2012 (6/7)
Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến hành vi phạm tội ở bệnh nhân động kinh trong giám định phám y tâm thần (23/7)
Các rối loạn cảm giác, tri giác (27/3)
Tầm soát rối loạn lưỡng cực trên bệnh nhân trong giai đoạn mắc trầm cảm tại bệnh viện Tâm thần TW 2 (2/2)
Khái niệm căn bản về SKTT (2/2)
Báo cáo thực hiện nâng cao năng lực Cán bộ Y tế tuyến Tỉnh, tuyến Huyện-Giai đoạn 2005-2010 và năm 2011 (2/2)
Ngộ độc do ăn cá lóc sống (2/2)
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
(0251)3822965
0967.921717
TIN MỚI

 
KHAI BÁO Y TẾ
ĐĂNG KÝ TRỰC TUYẾN
THƯ VIỆN ẢNH
PHIM TƯ LIỆU
GÓC THƯ GIÃN
NHỚ VỀ BỆNH VIỆN

Đại lễ hôm nay nhớ thuở nào
Thấy tim rung động, dạ nôn nao
“Trại điên” xưa cũ còn không nhỉ?
Nơi nhốt bao người tựa nhà lao.

Xem tiếp ...
 
Cổng thông tin điện tử - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2
Bản quyền Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2
Địa chỉ: Đường Nguyễn Ái Quốc, KP7, P. Tân Phong, Tp Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai
Tel(061)3822965 - Fax(061)3819187 - Email: bvtttw2@tamthantw2.gov.vn