Môi trường chăm sóc trong các cơ sở y tế cần đạt
được các tiêu chuẩn về an toàn. Theo tổng kết các báo cáo sự cố, tai nạn té ngã
dẫn đến tử vong đứng thứ hạng cao trong danh mục sự cố thường gặp. Các tai nạn
té ngã chiếm khoảng 4,6% sự cố theo báo cáo của ủy ban an toàn vào năm 2003. Nguy cơ té ngã có thể do môi trường chăm sóc hoặc
do bản thân người bệnh. Nguy cơ té ngã có thể do môi trường chăm sóc bao gồm
những thiết kế cơ sở vật chất, vật dụng không phù hợp cho người bệnh. Nguy cơ
do bản thân người bệnh bao gồm có tiền sử té ngã trước đó, khiếm khuyết về cảm
giác và thính giác, suy nhược thần kinh, bị xúc động mất thăng
bằng hoặc vận động, các vấn đề về cơ xương, các bệnh mãn tính, rối loạn tiểu
tiện, các vấn đề về dinh dưỡng, và việc sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Phòng ngừa té ngã là một trong 6 mục tiêu quan
trọng trong chương trình An toàn người bệnh mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
khuyến cáo.
Một số giải pháp giảm nguy cơ gây thương tổn cho
bệnh nhân do bị ngã - Thành lập ban ngăn ngừa té ngã để đánh giá những
bệnh nhân mới về nguy cơ té ngã tiềm
ẩn; để rà soát thường xuyên các cú té ngã, thẩm định sự tham gia, và tìm kiếm
các xu hướng và mô hình mới; và để trao đổi những phát hiện mới với các nhân
viên khác. - Cơ sở y tế phải đánh giá ban đầu và thường xuyên
nguy cơ té ngã của bệnh nhân và có biện pháp ngăn ngừa các khả năng té ngã tiềm
ẩn. Cần đánh giá toàn diện bệnh nhân lúc ban đầu khi bệnh nhân nhập viện, xác
định mức độ nhận thức chung, sức mạnh của cơ, sự đau đớn, và khả năng thể hiện hoạt
động hàng ngày của bệnh nhân. Cần đánh giá định kỳ từng nguy cơ bị ngã của bệnh
nhân, bao gồm cả nguy cơ tiềm ẩn. - Sử dụng các kỹ thuật đánh giá khác nhau, như quan
sát hoặc trao đổi với cá nhân bệnh nhân và gia đình để đánh giá toàn diện đến
mức có thể. - Nhân viên y tế phải trao đổi với gia đình bệnh
nhân và những người quan trọng khác việc đánh giá toàn diện nguy cơ té ngã.
Thông báo cho các thành viên của gia đình bệnh nhân các yếu tố làm gia tăng
nguy cơ té ngã. - Dựa vào đánh giá, nhân viên y tế đưa ra những
kiến nghị và thực hiện phương pháp chủ động ngăn ngừa té ngã trong kế hoạch và
thực hiện chăm sóc bệnh nhân. Bất cứ nguy cơ nào đã được nhận diện đều cần được
xử lý ngay. - Nhân viên y tế cần phải xem xét tất cả thuốc gồm
tất cả thuốc cấp theo đơn, thuốc mua tại quầy, và những thứ bổ sung mà bệnh
nhân đã sử dụng. Lưu hồ sơ tình trạng dị ứng thuốc và tiền sử lạm dụng thuốc,
kể cả lạm dụng thuốc an thần và các loại thuốc theo đơn khác. Việc thay đổi
thuốc – gồm có thuốc gây nghiện và các
liều lượng tăng hoặc giảm – đòi hỏi phải theo dõi hết sức cảnh giác các phản
ứng phụ mới có thể xảy ra. Một loại thuốc mới thêm vào các loại thuốc bệnh nhân
đang dùng có thể tạo nên cơn chóng mặt, gây buồn ngủ, hoặc các triệu chứng khác
có thể đưa bệnh nhân đến nguy cơ té ngã nhiều hơn. - Thường xuyên tái đánh giá và lưu ý những biểu
hiện khi bệnh nhân đã trải qua gây mê. - Cơ sở y tế, đặc biệt các nhà dưỡng lão, cần thực
hiện chương trình giảm té ngã và đánh giá hiệu quả của chương trình .
Chương trình giảm té ngã bao gồm các chiến lược giảm rủi ro, thực hành tại chỗ,
sự tham gia cuả bệnh nhân/gia đình trong huấn luyện và
việc thẩm định môi trường điều trị. Một số biện pháp cải tiến môi trường giúp giảm té
ngã - Lắp đặt chuông báo động tại giường hoặc thiết kế
lại hệ thống kiểm soát và kiểm tra chuông báo động tại giường - Lắp đặt các ổ khoá tự động ở các phòng phục vụ
(như phòng giặt, v.v..) - Hạn chế việc mở cửa sổ khi có nguy cơ - Lắp đặt chuông báo động ở các lối ra vào - Bổ sung phần ngăn ngừa té ngã vào chương trình
huấn luyện bệnh nhân và gia đình họ - Cải tiến và chuẩn hoá hệ thống gọi điều dưỡng - Sử dụng “giường thấp” cho những người có nguy cơ
té ngã. Ví dụ về thực tế sự cố
người bệnh té ngã
Tài liệu
tham khảo 1. Bộ Y tế (2015), Tài
liệu đào tạo liên tục an toàn người bệnh, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, tr.
83-90. 2. WHO (2011), Patient Safety curriculum guide,
Multi-professional Edition.
|