Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa sức
khỏe tâm thần là trạng thái hạnh phúc trong đó một cá nhân nhận ra khả năng của
chính mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường của cuộc sống, có
thể làm việc hiệu quả và có thể đóng góp cho cộng đồng
Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có
rối loạn tâm thần hay bất kỳ vấn đề gì về tinh thần, mà còn bao gồm khả năng
suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người
khác. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố
liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này.
Sức khỏe tâm thần của một người bất kể tuổi tác,
giới tính cũng quan trọng như sức khỏe thể chất của họ. Tình trạng sức khỏe tâm
thần cũng là bệnh tật và có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm
thần và thể chất. Sức khỏe tinh thần tốt là rất quan trọng đối với sức khỏe và
hạnh phúc tổng thể của chúng ta. Tuy nhiên, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1
người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Ở các nước có thu nhập thấp, hơn
75% rối loạn tâm thần không được điều trị. Hàng năm, gần 3 triệu người chết do
lạm dụng chất kích thích. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự sát.
Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi.
Sức khỏe tâm thần là quyền cơ bản của con người đối
với tất cả mọi người. Mọi người, bất kể họ ở đâu, đều có quyền đạt được tiêu
chuẩn cao nhất về sức khỏe tâm thần. Điều này bao gồm quyền được bảo vệ khỏi
các rủi ro về sức khỏe tâm thần, quyền được chăm sóc có sẵn, dễ tiếp cận, có
thể chấp nhận và có chất lượng tốt cũng như quyền tự do, độc lập và hòa nhập
vào cộng đồng.
Tại Việt Nam, hiện nay vấn đề rối loạn tâm thần
đang có chiều hướng gia tăng. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm
thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy
nhiên đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân
gian thường gọi là điên). Thực tế tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số;
trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm
thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử
dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác… Ở trẻ em các vấn đề sức
khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu
cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ai cũng có thể mắc rối loạn
tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.
Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (World Mental
Health Day) được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 hàng năm trên toàn thế giới, để
giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp sức khỏe tâm thần. Năm 2024
với chủ đề “Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc” Chủ đề nhấn mạnh
tầm quan trọng của mối quan hệ cơ hữu giữa sức khỏe tâm thần và công
việc, nhằm thu hút người người lao động và người sử dụng lao động, các
tổ chức liên quan để vận động, thúc đẩy sự quan tâm đến sức khỏe tâm
thần tại nơi làm việc, là cơ hội để mọi người và cộng đồng đoàn kết, nâng cao
nhận thức và thúc đẩy các hành động bảo vệ sức khỏe tâm thần của mọi người, tạo
môi trường làm việc với cảm giác thoải mái, tích cực và làm việc hăng say, hiệu
quả.
Nguồn https://www.who.int/campaigns/world-mental-health-day/2024 |