3.3.5. Tương quan giữa liều diazepam và điểm CIWA-Ar IV. BÀN LUẬN
4.1. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
4.1.1. Lứa tuổi
Các tác giả nhận thấy sảng rượu thường gặp ở tuổi trên 30 [20]. Pierr Levy Soussan rất hiếm gặp bệnh nhân sảng rượu trước 30 tuổi. M. Wojnar & CS (2001), các triệu chứng cai rượu nặng nề xuất hiện từ 30-50 tuổi và từ 30-39 tuổi (36%) chiếm cao nhất [135]. Nguyễn Mạnh Hùng (2009), bệnh nhân từ 31-40 tuổi (46,02%), 41-50 tuổi (39,82%) trên 50 tuổi chiếm 11,51% bị sảng rượu [11].
Kết quả nghiên cứu chúng tôi nhận thấy tuổi bệnh nhân sảng rượu từ 31-40 tuổi (42,50%) chiếm cao nhất. Kế đến từ 41-50 tuổi (32,50%) và từ 51-60 tuổi (20,00%). Có 2 bệnh nhân dưới 30 tuổi (5,00%).
4.1.2. Giới tính
Sảng rượu cấp thường ở nam nhiều hơn nữ [32]. M. Wojnar & CS (2001), nhận thấy 82,90% nam và 17,10% nữ bị hội chứng cai rượu [135]. Mehta & CS (2004), sảng rượu trong nghiên cứu của ông 100% nam giới [91]. Anne Yim (2009), lạm dụng rượu ở nam chiếm 7% và ở nữ chiếm 3% và tỉ lệ mới mắc các triệu chứng cai rượu ở nữ thấp hơn nam [45].
Hoàng Văn Trọng (2004), sảng rượu ở giới nam (73 trong 225 bệnh nhân loạn thần do rượu chiếm 32,40%) [29]; Nguyễn Hữu Cát (2007), sảng rượu cũng xuất hiện ở nam giới chiếm 25% [5]; Nguyễn Mạnh Hùng (2009), 100% bệnh nhân sảng rượu là nam giới [11].
Kết quả nghiên cứu chúng tôi có 100% bệnh nhân nam bị sảng rượu cũng tương tự như nghiên cứu về rượu của các tác giả.
4.1.3. Trình độ học vấn
M. Wojnar & CS (2001), nhận thấy bệnh nhân bị hội chứng cai rượu có học tiểu học (40,31%), học trung học (57,22%) và đại học (2,47%) [135].
Nguyễn Mạnh Hùng (2009), bệnh nhân sảng rượu có học vấn {[tiểu học (10,62%), trung học cơ sở (51,33%), trung học phổ thông (27,43%) và đại học-trung học chuyên nghiệp (9,73%)]}[11].
Qua nghiên cứu chúng tôi cũng phù hợp với các tác giả đã nghiên cứu về loạn thần do rượu và sảng rượu.
4.1.4. Nghề nghiệp
M. Wojnar & CS (2001), nhận thấy 65,62% bị hội chứng cai rượu có nghề nghiệp, 17,89% bị thất nghiệp và 16,49% đã nghỉ hưu [135].
Nguyễn Mạnh Hùng (2009), bệnh nhân sảng rượu là nông dân (61,95%), công nhân (11,50%), viên chức và nghề nghiệp khác (26,55%) [11].
Theo nghiên cứu chúng tôi nhận thấy bệnh nhân sảng rượu làm nông (25%), công nhân (27,50%), viên chức (5%), nghề nghiệp khác-hưu trí (15%) và thất nghiệp (27,50%).
4.1.5. Đặc điểm vùng cư trú
Nguyễn Hữu Cát (2007) bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu ở nông thôn chiếm 62,50% và ở thành thị chiếm 37,50% [5]. Thân Văn Tuệ (2008), bệnh nhân loạn thần sống ở thành thị chiếm 30%, ngoại thành 17,50% và nông thôn 52,50% [32].
Nghiên cứu chúng tôi nhận thấy bệnh nhân ở nông thôn chiếm 62,50% và ở thành thị chiếm 37,50% cũng tương tự như các nghiên cứu nêu trên.
4.1.6. Tình trạng hôn nhân
Nghiên cứu sảng rượu của Nguyễn Mạnh Hùng (2009) nhận thấy 91,15% có gia đình, chưa kết hôn chiếm 7,8%, ly thân và ly dị chiếm 1,77% [11].
Kết quả nghiên cứu chúng tôi nhận thấy có gia đình (82, 50%), ly dị-li thân (12,50%) và độc thân chiếm 5% cũng tương đối phù hợp với hầu hết nghiên cứu nêu trên.
4.1.7. Tiền sử gia đình
B.C. Munster & CS (2007), nhận thấy có mối liên hệ giữa gen A9 trong chuỗi gen điều tiết dopamine với sảng rượu và co giật do rượu [98]. Le Strat & CS (2008), lệ thuộc rượu là một rối loạn nghiện phức tạp do đa gen quy định ảnh hưởng suốt đời đến 5,4% dân số chung và tính duy truyền của lệ thuộc rượu khá cao (50-60%) [137].
Nguyễn Mạnh Hùng (2009), tiền sử gia đình của bệnh nhân có người nghiện rượu là 38,39% [11]. Lê Anh Tuấn (2010), nhận thấy tiền sử gia đình của người lạm dụng rượu có 80,49% người bị lạm dụng rượu và 82,08% người bị nghiện rượu [30].
Nghiên cứu chúng tôi nhận thấy tiền sử gia đình của bệnh nhân sảng rượu có người bị nghiện rượu cũng phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Hùng.
4.1.8. Thời gian nghiện rượu
Hầu hết tác giả nước ngoài thường thấy thời gian nghiện rượu của các bệnh nhân sảng rượu trên 10 năm nhưng Mehta & CS (2004), thời gian nghiện rượu trung bình của bệnh nhân là 10 năm [91].
Trần Viết Nghị (2000), sảng rượu ở người nghiện rượu mạn tính ít nhất 5 năm [20]. Nguyễn Văn Ngân (2002), sảng rượu phát triển ở bệnh nhân nghiện rượu vài năm [16]. Nguyễn Mạnh Hùng (2009), thời gian nghiện rượu của bệnh nhân sảng rượu từ: 5-10 năm [11].
Theo kết quả nghiên cứu chúng tôi nhận thấy bệnh nhân sảng rượu bị nghiện rượu trên 6 năm chiếm cao nhất.
4.1.9. Lượng rượu uống hàng ngày
Nguyễn Mạnh Hùng (2009), bệnh nhân sảng rượu uống 600-1000ml mỗi ngày chiếm cao nhất (61,95%) [11].
Theo kết quả nghiên cứu chúng tôi nhận thấy bệnh nhân sảng rượu uống từ 600 - 1000 ml chiếm (62,50%) cao nhất.
4.2. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG BỆNH NHÂN SẢNG RƯỢU
4.2.1. Đặc điểm chung
4.2.1.1. Các yếu tố khởi phát sảng rượu
Theo tác giả nước ngoài và trong nước nhận thấy sảng rượu xuất hiện ở những người nghiện rượu nặng mạn tính sau ngừng hoặc giảm uống rượu đột ngột vài ngày [6], [12], [16], [17], [18], [45], [62], [98] hoặc do: điều trị hội chứng cai rượu không thỏa đáng [88], [127], [131], xuất hiện sau khi cơ thể bị suy yếu vì quá mệt nhọc, vì một bệnh lý cơ thể nào đó, sau khi cai rượu tương đối hoặc tuyệt đối hoặc trong giai đoạn uống nhiều rượu [20].
Nguyễn Mạnh Hùng (2009) nhận thấy hầu hết bệnh nhân khởi phát sảng rượu do uống giảm liều rượu so với trước đó (37,17%) hoặc mắc bệnh cơ thể nào đó dẫn đến không có cơ hội tiếp tục uống rượu (36,28%) đã làm xuất hiện sảng rượu chiếm cao nhất.
Theo nghiên cứu chúng tôi nhận thấy bệnh nhân sảng rượu do có bệnh lý cơ thể 52,50% chiếm cao nhất, giảm uống rượu chiếm 32,50%. Như vậy tỉ lệ bị sảng rượu của bệnh nhân chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Hùng (2009).
4.2.1.2. Khoảng thời gian từ ngừng uống rượu đến khi xuất hiện sảng rượu
Erwin & CS (1998), sảng rượu thường khởi phát sau 3 - 5 ngày kiêng rượu hay giảm lượng rượu uống [62], [127]. Mayo-Smith & CS (2004), sảng rượu thường xuất hiện sau 2-4 ngày ngưng uống rượu [61]. Valerie M Wood (2006), sảng rượu khởi phát sau ngừng uống rượu 2 - 5 ngày (thường xảy ra sau 2-3 ngày) [92], [103], [131]. Anne Yim, Barry E Brenner (2009), sảng rượu thường xảy ra sau khi ngừng uống rượu 3-7 ngày [45]. Mehta & CS (2004), sảng rượu ít khi khởi phát ở bệnh nhân không có bệnh lý trước khi ngừng uống rượu 2 -3 ngày và sảng rượu có thể xuất hiện vào ngày thứ 5-14 [91].
Nguyễn Văn Ngân, Cao Tiến Đức (2009), sảng rượu xuất hiện vào ngày 1-3 sau khi ngừng uống rượu [9], [16], [17]. Nguyễn Mạnh Hùng (2009), nhận thấy khoảng thời gian từ ngừng uống rượu đến khi xuất hiện sảng rượu dưới 1 ngày là 7,08%, 2 ngày là 51,33%, 3 ngày là 30,09%, 4 ngày là 5,31% và trên 4 ngày là 6,19% [11]. Bùi Quang Huy (2010), đa số trường hợp sảng rượu xuất hiện sau ngừng uống rượu 24-48 giờ [12]. Theo Nguyễn Hữu Cát (2011), sảng rượu xuất hiện vào ngày thứ 2-3 sau khi ngừng uống rượu [5], [6].
Kết quả nghiên cứu chúng tôi phù hợp với nhận xét của các tác giả trên: sảng rượu chủ yếu xuất hiện vào ngày thứ 2-3 sau khi ngừng uống rượu chiếm 75,00%.
4.2.1.3.Tính chất sảng rượu
* Khởi phát
Sảng rượu có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau vài ngày ngừng uống rượu [12], [20]. Sảng rượu cũng có thể khởi phát bán cấp [12]. Holbrook & CS (1999), Asplund & CS (2004), sảng rượu có thể xuất hiện cách lần uống rượu cuối cùng khoảng 2-4 ngày [67], [111]. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Hùng (2009) cho thấy 38,05% số bệnh nhân đột ngột xuất hiện sảng rượu và 61,06% số bệnh nhân xuất hiện sảng rượu từ từ [11].
Theo nghiên cứu chúng tôi nhận thấy sảng xuất hiện từ từ chiếm cao nhất (60%), nhanh 37,50% cũng có tỉ lệ tương đương với tác giả Nguyễn Mạnh Hùng [11].
* Tính chất co giật
Điển hình cơn co giật do cai rượu xảy ra sau ngưng uống rượu 6-48 giờ [6], [53], [103], [131] và thường co giật kiểu động kinh cơn lớn. Hugh Myrick, Raymond F. Anton (1998), co giật kiểu cơn lớn có thể xảy ra đến 25% trong số người nghiện rượu bị cai rượu [68] còn Mehta & CS (2004), nhận thấy có 21% bệnh nhân sảng rượu bị co giật. Tỉ lệ hiện mắc co giật này cao có thể do có sự góp phần của bệnh lý đi kèm với sảng rượu [90]. Florim Cuculi & CS (2006), 30,30% sảng rượu bị co giật [64]. Khoảng 30% những người nghiện rượu bị co giật trong giai đoạn này [69].
Nguyễn Hữu Cát (2007), 25% bệnh nhân sảng rượu bị co giật kiểu cơn lớn [5] thường xảy ra sau ngưng uống rượu 24 giờ [44]. Tuy nhiên, Nguyễn Mạnh Hùng (2009) nhận thấy co giật ở bệnh nhân chiếm đến 30,97% [11].
Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy 32,50% bệnh nhân bị co giật toàn thể thường xảy ra sau ngừng hoặc uống ít rượu không quá 48 giờ và gần tương đương với một số tác giả nêu trên.
4.2.1.4. Thời gian sảng rượu tồn tại
Mehta & CS (2004), hầu hết sảng rượu dùng diazepam hoặc chlordiazepoxid sẽ khỏi sau 3-5 ngày điều trị [91]. Christopher Pelic và Hugh Myrick (2003), bệnh nhân sảng rượu khỏi trong vòng 4 ngày điều trị [52].
Nguyễn Văn Ngân (2002), thời gian sảng rượu kéo dài 3-4 ngày. Nếu điều trị tích cực thì sảng rượu chỉ xảy ra vài giờ mà thôi [16]. Bùi Quang Huy (2010), sảng rượu cấp thường tiến triển trong 3-4 ngày và khỏi sau khi bệnh nhân đi vào giấc ngủ [12]. Nguyễn Mạnh Hùng (2009), thời gian tồn tại giai đoạn toàn phát ở bệnh nhân sảng rượu: tồn tại 3 ngày chiếm (32,74%) cao nhất [11].
Kết quả nghiên cứu chúng tôi nhận thấy sau 3-7 ngày điều trị bệnh nhân thuyên giảm sảng rượu: 3 ngày chiếm 20%, 4 ngày chiếm 57,50%, 5 ngày chiếm 17,50%, 6 ngày chiếm 2,50%, 7 ngày chiếm 2,50%. Như vậy, nghiên cứu của chúng tôi sảng rượu tồn tại 3- 4 ngày chiếm cao nhất.
4.2.2. Đặc điểm lâm sàng
4.2.2.1. Các triệu chứng xuất hiện
Mehta (2004), bệnh nhân sảng rượu có các triệu chứng: run (70%), nhịp tim nhanh (85%), sốt (21,4%), toát mồ hôi (14,2%) [91].
Nguyễn Viết Thiêm (1994) nhận thấy bệnh nhân sảng rượu: mất ngủ (100%), mệt mỏi và chán ăn (75%), tình trạng chếnh choáng (64%) và run tay chân (65%). Nguyễn Hữu Cát (2007), các triệu chứng cai thường gặp như thèm rượu (84,40%), mất ngủ (43,80%), đau đầu (25%) [5]. Bùi Quang Huy (2010), mất ngủ (100%), mệt mỏi và chán ăn (75%), run tay chân (65%) [12]. Nguyễn Mạnh Hùng (2009), nhận thấy 100% bệnh nhân bị mất ngủ, chán ăn (77,87%), mệt mỏi (69,02%), đau đầu (54,87%). Khác biệt giữa các nhóm số liệu có ý nghĩa thống kê với p < 0,001 [11].
Kết quả chúng tôi nhận thấy bệnh nhân có triệu chứng mất ngủ chiếm 100%, chán ăn (77,50%), thèm rượu (45,50%). mệt mỏi (82,50%) và đau đầu (77,50%). Khác biệt giữa các triệu chứng này có ý nghĩa thống kê rõ rệt với p < 0,001 và gần tương tự với các triệu chứng của Nguyễn Mạnh Hùng
4.2.2.2. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật
Nguyễn Thị Vân và Bùi Quang Huy (2002), 100% bệnh nhân sảng rượu có run tay chân [33]. Nguyễn Hữu Cát (2007), 84,4% có run rẩy, buồn nôn (56,30%), toát mồ hôi (53,10%), nôn (25%) mạch nhanh (18,8%) [5]; Nguyễn Mạnh Hùng (2009), 100% bệnh nhân có run, toát mồ hôi (100%), bồn chồn (58,41%) và mạch nhanh (58,41%), buồn nôn, nôn, huyết áp tăng (2,65 - 28,32%), huyết áp dao động (2,56%) với p < 0,001 [11]; Bùi Quang Huy (2010), run tay chân (65%), chếnh choáng (64%) [12].
Theo nghiên cứu chúng tôi có bệnh nhân run (100%), toát mồ hôi (100%), bồn chồn (52,50%), huyết áp tăng (37,50%), buồn nôn (25%), nôn (15%), thở nhanh (15%), loạng choạng (10%), huyết áp dao động (2,5%) với p < 0,001.
4.2.2.3. Rối loạn ý thức và đặc điểm mê sảng
- Nguyễn Mạnh Hùng (2009):
Rối loạn năng lực định hướng: không gian (99,11%), thời gian (95,57%), môi trường xung quanh (94,76%), bản thân (14,60%) với p < 0,001.
Rối loạn ý thức vào tối (89,38%), chiều (76,99%) và đêm (57,52%). Chỉ 23,01% bị rối loạn ý thức vào trưa và 11,50% vào sáng với p < 0,001.
Hầu hết bệnh nhân rối loạn ý thức tồn tại không liên tục (76,99%) và rối loạn ý thức liên tục (23,01%) khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,001) [11].
- Theo nghiên cứu chúng tôi nhận thấy:
Rối loạn định hướng không gian (100%), xung quanh (100%), thời gian (95%), bản thân (15%) khác biệt rõ rệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.
Rối loạn ý thức vào chiều - tối - đêm đều chiếm 100%, rối loạn ý thức vào trưa (27,70%), sáng (2,50%) khác biệt rõ rệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,001).
Hầu hết bệnh nhân rối loạn ý thức tồn tại không liên tục (87,50%) với rối loạn ý thức liên tục (12,50%) cũng khác biệt rõ rệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.
4.2.2.4. Rối loạn cảm xúc, lo âu
Nguyễn Hữu Cát (2007), triệu chứng cai rượu thường gặp như: trầm cảm (87,50%), lo âu (59,40%), loạn thần có: hưng cảm (3,1%), trầm cảm (3,1%) [5].
Nguyễn Mạnh Hùng (2009), triệu chứng rối loạn cảm xúc của bệnh nhân: cảm xúc không ổn định (73,45%), trầm cảm (28,32%), loạn cảm (24,78%), hưng cảm (17,69%) và vô cảm (2,65%). Triệu chứng rối loạn lo âu như lo lắng (76,99%), hoảng sợ (66,37%), ác mộng (24,78%), ám ảnh xung động (18,58%) [11].
Nghiên cứu chúng tôi nhận thấy bệnh nhân sảng rượu có cảm xúc không ổn định (72,50%) cao nhất, trầm cảm (12,50%), hưng cảm (10,00%), loạn cảm (7,50%), vô cảm (2,50%). Các triệu chứng lo âu trong của các bệnh nhân: lo lắng (90,00%), hoảng sợ (77,50%), ác mộng ( 22,50%), bồn chồn bất an (22,50%). .
4.2.2.5. Rối loạn chú ý và trí nhớ
Nguyễn Mạnh Hùng (2009), thời gian triệu chứng rối loạn chú ý của bệnh nhân tồn tại ngắn hơn các triệu chứng rối loạn trí nhớ. Rối loạn chú ý hay gặp nhất là đãng trí (52,21%), chú ý kém bền vững (30,97%), chú ý kém linh hoạt (7,08%). Rối loạn trí nhớ hay gặp: giảm nhớ (92,92%), nhớ rời rạc (32,74%), nhớ nhầm (20,35%), quên toàn bộ (11,50%), quên thuận chiều (10,62%), quên ngược chiều (5,315), loạn nhớ (2,65%). Khác biệt giữa các số liệu trên có ý nghĩa thống kê p < 0,001 [11].
Nghiên cứu chúng tôi nhận thấy thời gian tồn tại các triệu chứng rối loạn chú ý của bệnh nhân cũng ngắn hơn rối loạn trí nhớ. Rối loạn chú ý hay gặp nhất là đãng trí (50,00%), chú ý kém bền vững (42,50%), chú ý kém linh hoạt chiếm 7,50%. Rối loạn trí nhớ hay gặp: giảm nhớ (97,50%), nhớ rời rạc (32,50%), nhớ nhầm (22,50%), quên thuận chiều (10,00%), quên toàn bộ (5,00%), quên ngược chiều (5,00%), loạn nhớ (5,00%). Khác biệt giữa các số liệu này cũng có ý nghĩa thống kê p < 0,001.
4.2.2.6. Rối loạn vận động và đặc điểm kích động
Nguyễn Mạnh Hùng (2009) nhận thấy các triệu chứng rối loạn vận động như: kích động (60,18%), tăng vận động (39,82%), cơn co giật (30,97%), vận động rời rạc (27,43%), giảm vận động (22,12%), không ăn (20,35%), cơn xung động (15,04%), hành vi tự sát (9,73%) [11].
Nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy triệu chứng kích động (77,50%), tăng vận động (40,00%), có cơn co giật (32,50%), vận động rời rạc (27,50%), giảm vận động (22,50%), từ chối ăn (20,00%), cơn xung động (15,00%), hành vi tự sát xảy, căng trương lực, rối loạn bản năng tình dục đều chiếm (2,50%) và khi so sánh các số liệu trong bảng này nhận thấy khác biệt rõ rệt rất có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.
4.2.2.7. Rối loạn tri giác
Hoàng Văn Trọng (2004), bệnh nhân có ảo thị (60,3%), ảo giác xúc giác (58,9%) và ảo thanh (20,5%) [29]. Nguyễn Mạnh Hùng (2009), bệnh nhân có ảo thị (76,99%), ảo xúc (58,41%), ảo thính (44,25%), loạn cảm giác bản thể (32,74%) [11].
Kết quả chúng tôi có đôi chút khác biệt về tỉ lệ như ảo thị chiếm (95,00%) cao hơn, ảo xúc (50,00%), ảo thính (37,50%), loạn cảm giác bản thể (25,00%), ảo ảnh kỳ lạ (7,50%).
4.2.2.8. Rối loạn tư duy
Nguyễn Mạnh Hùng (2009), bệnh nhân có hoang tưởng bị hại (61,95%), hoang tưởng ghen tuông (16,81%). Hoang tưởng bị theo dõi và hoang tưởng bị đầu độc đều chiếm 4,42%, hoang tưởng tự cao (3,54%) [11].
Kết quả nghiên cứu chúng tôi nhận thấy: hoang tưởng bị hại (62,50%) cao nhất, kế đến là hoang tưởng ghen tuông (17,50%), hoang tưởng bị theo dõi và hoang tưởng tự cao (5,00%) bằng nhau. Khi so sánh các số liệu này khác biệt rõ rệt rất có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.
Khi so sánh kết quả nghiên cứu về nội dung hoang tưởng của chúng tôi với nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Hùng (2009) nhận thấy tỉ lệ gần tương đương với nhau nhưng nghiên cứu của chúng tôi không có hoang tưởng bị đầu độc và các hoang tưởng khác như của nghiên cứu Nguyễn Mạnh Hùng (2009).
4.2.2.9. Hoang tưởng kết hợp với ảo giác
Nguyễn Mạnh Hùng (2009) nhận thấy bệnh nhân sảng rượu có phân bố hoang tưởng và ảo giác (hoang tưởng + ảo giác: chiếm (62,83%) cao nhất; ảo giác đơn thuần: 26,55%, không có ảo giác và không có hoang tưởng: 7,08%; hoang tưởng đơn thuần: 3,54%; số hoang tưởng kết hợp với ảo giác (2 ảo giác + 1 hoang tưởng chiếm tỉ lệ cao nhất 28,17%; 3 ảo giác + 1 hoang tưởng: 23,94%; 2 ảo giác + 2 hoang tưởng: 16,90%; 1 ảo giác + 1 hoang tưởng: 9,86%; 1 ảo giác + 2 hoang tưởng: 8,45%; 3 ảo giác + 3 hoang tưởng: 2,82%). Khác biệt giữa các nhóm số liệu có ý nghĩa thống kê với p < 0,001 [11].
Nghiên cứu chúng tôi nhận thấy phân bố hoang tưởng và ảo giác ở bệnh nhân như sau: hoang tưởng + ảo giác chiếm tỉ lệ cao nhất 77,50%; ảo giác đơn thuần: 22,50%, không có (ảo giác và hoang tưởng) và hoang tưởng đơn thuần. Khi so sánh trong nhóm này nhận thấy sự khác biệt rõ rệt rất có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Ảo giác + hoang tưởng: ở nhóm bệnh nhân không co giật (81,48%) cao hơn nhóm bệnh nhân co giật (69,23%). Trái lại, nhóm bệnh nhân co giật có ảo giác đơn thuần (30,77%) cao hơn bệnh nhân không có co giật (18,52%) và khi so sánh sự khác biệt của 2 nhóm không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.
Nghiên cứu chúng tôi nhận thấy số hoang tưởng kết hợp với ảo giác (2 ảo giác + 1 hoang tưởng chiếm (32,50%); 1 ảo giác + 1 hoang tưởng (20,00%); 3 ảo giác + 1 hoang tưởng, 2 ảo giác + 2 hoang tưởng, 2 ảo giác đều 10,00%; 1 ảo giác (7,50%); 3 ảo giác và 1 ảo giác+2 hoang tưởng đều (5,00%). Khi so sánh số liệu này nhận thấy khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
4.2.2.10. Các bệnh cơ thể kết hợp ở bệnh nhân sảng rượu
Nguyễn Mạnh Hùng (2009) nhận thấy bệnh cơ thể kết hợp với sảng rượu: ở hệ thống da niêm mạc (34,51%), hệ cơ-xương-khớp (24,78%), gan mật (20,36%), dạ dày- tá tràng (11,50%), tim mạch (10,62%), hệ thống thần kinh (7,96%), nội tiết (5,31%), hô hấp và tiết niệu sinh dục có cùng tỉ lệ (4,42%). Khác biệt giữa các nhóm số liệu có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
Nghiên cứu chúng tôi nhận thấy bệnh cơ thể kết hợp với sảng rượu: ở hệ thống da - niêm mạc và cơ xương khớp đều (40,00%), gan mật (32,50%), huyết học (15%), hệ thống thần kinh (10%), niệu - sinh dục và tim mạch đều (7,50%), dạ dày-tá tràng (5,00%), hô hấp ( 2,50%). Khi so sánh số liệu nhận thấy khác biệt rõ rệt rất có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.
4.3. KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ
4.3.1. Kết quả điểm chấm theo thang CIWA-Ar
Nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy vào ngày thứ 1 có 85% bệnh nhân > 25 điểm, 5% bệnh nhân 25 điểm và 10% bệnh nhân 24 điểm. Như vậy, số điểm bệnh nhân sảng rượu đạt tối thiểu là 24 điểm. Theo một số tác giả khi điểm thang CIWA-Ar > 15 là cai rượu nặng và tăng nguy cơ xuất hiện sảng rượu, co giật [86], [123]. Theo NSW (2008), về các hướng dẫn thực hành lâm sàng về dùng thuốc cho cai rượu chia mức độ nặng của cai rượu theo thang điểm CIWA-Ar: nhẹ < 10 điểm, vừa (10-20 điểm), nặng > 20 điểm [92]. Theo Foy và cộng sự (1988), có 6,4% bệnh nhân có điểm CIWA-Ar thấp nhưng vẫn bị các biến chứng nếu không điều trị [123]. Như vậy, số bệnh nhân chúng tôi 24 điểm cũng có thể phù hợp điểm quy định về mức độ nặng của cai rượu. Trong nghiên cứu chúng tôi nhận thấy:
Điểm số trung bình chấm theo thang CIWA-Ar vào ngày 1: 27 ± 1,99
Điểm số trung bình chấm theo thang CIWA-Ar vào ngày 2: 24 ± 3,10
Điểm số trung bình chấm theo thang CIWA-Ar vào ngày 3: 18,20 ± 4,23
Điểm số trung bình chấm theo thang CIWA-Ar vào ngày 4: 9,30 ± 4,90
Điểm số trung bình chấm theo thang CIWA-Ar vào ngày 5: 3,40 ± 3,85
Điểm số trung bình chấm theo thang CIWA-Ar vào ngày 6: 1,15 ± 2,67
Điểm số trung bình chấm theo thang CIWA-Ar vào ngày 7: 0,33 ± 1,23
Điểm số trung bình chấm theo thang CIWA-Ar vào ngày 8: 0
So sánh điểm số thang CIWA-Ar theo từng cặp nhận thấy giữa ngày: 1-2; 2-3; 3-4; 4-5; 5-6 và 8-1 khác biệt rõ rệt rất có ý nghĩa thống kê với p < 0,001 nhưng giữa ngày: 6-7 và 7-8 lại khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Kiểm định ANOVA: F = 894,927; p < 0,001.
So sánh điểm số từng ngày của 2 nhóm bệnh nhân nhận thấy: từ ngày 1 - 3 khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05 và từ ngày 4 - 8 khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.
4.3.2. Kết quả điều trị bằng diazepam theo thang CIWA-Ar
Tổng liều diazepam dùng cho mỗi bệnh nhân 70mg - 170mg, tổng liều trung bình là 108 ± 18,105 mg và liều diazepam dùng cao nhất cho mỗi bệnh nhân là 30mg/ngày. Khi so sánh liều lượng diazepam dùng cho bệnh nhân theo từng cặp giữa các ngày với nhau nhận thấy từ ngày thứ 2 trở đi khác biệt rõ rệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Kiểm định ANOVA so sánh liều diazepam dùng trong 8 ngày nhận thấy khác biệt rõ rệt rất có ý nghĩa thống kê với p < 0,001.
Tổng liều diazepam dùng cho mỗi bệnh nhân ở 2 nhóm (nhóm 1: 35,00 ± 52,87 mg, nhóm 2: 72,12 ± 52,75 mg) và liều diazepam dùng từ ngày 1- 4 cho 2 nhóm bệnh nhân khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Trái lại, liều diazepam dùng từ ngày 5 - 8 cho 2 nhóm lại khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.
4.3.3. Mối tương quan giữa liều diazepam và điểm CIWA-Ar
Ý nghĩa hệ số tương quan r có 5 mức:
± 0,01 đến ± 0,1: tương quan không đáng kể.
± 0,2 đến ± 0,3: tương quan thấp.
± 0,4 đến ± 0,5: tương quan trung bình
± 0,6 đến ± 0,7: tương quan cao.
± 0,8 trở lên : tương quan rất cao.
Qua kết quả từ ngày 1 - 3 của điều trị chúng tôi nhận thấy mối tương quan nghịch giữa liều diazepam và điểm CIWA-Ar tương đối thấp và không có ý nghĩa thống kê với r(- 0,2137 đến - 0,1358); p > 0,05 nhưng từ ngày thứ 4 trở đi có tương quan cao với r : 6-7; p < 0,001. Như vậy, thang điểm CIWA-Ar có thể là một công cụ giúp đánh giá, theo dõi điều trị và nhận ra quá trình cai rượu xảy ra trước khi tiến triển đến các giai đoạn nặng hơn như sảng rượu [123].
V. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu 40 bệnh nhân sảng rượu được điều trị ở khoa Tâm thần thực tổn -Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 từ tháng 02 năm 2011 đến tháng 10 năm 2011, chúng tôi rút ra kết luận như sau:
Kết quả bước đầu về điều trị
- Tất cả bệnh nhân sảng rượu đều đáp ứng tốt với diazepam sau 3-7 ngày điều trị với tổng liều cho mỗi bệnh nhân sảng rượu thấp nhất là 70 mg và cao nhất là 170 mg, tổng liều trung bình cho mỗi bệnh nhân sảng rượu: 108 ± 18,105 mg.
- Liều lượng diazepam dùng cho 2 nhóm đối tượng bị sảng rượu từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 4 và tổng liều dùng cho 2 nhóm đầu khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
- Có sự tương quan cao đến trung bình giữa thang điểm CIWA-Ar với liều lượng diazepam dùng từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7.
VI. KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chúng tôi kiến nghị một số vấn đề:
Sảng rượu ngày càng nhiều làm ảnh hưởng lớn cho xã hội, nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân và người xung quanh, dẫn đến đạo đức, lối sống trở nên suy đồi.
1. Nhà nước cần sớm có chủ trương, chiến lược, chính sách tổng thể phòng ngừa, mua bán, sử dụng, hạn chế sản xuất và lưu thông rượu- bia tùy tiện.
2. Cần hợp pháp hóa, ban hành luật cụ thể, xác định tuổi tối thiểu được mua và sử dụng rượu-bia.
3. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về tác hại của rượu trên khắp đất nước.
4. Các cấp chính quyền, đoàn thể cần quan tâm giáo dục, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc lạm dụng rượu trong cuộc sống nhất là ở tuổi trẻ.
5. Cần có trung tâm giáo dục và quản lý tốt dành riêng cho bệnh nhân sau khi điều trị loạn thần do rượu để tránh tái phát.
Chủ nhiệm đề tài:
Bs Phan Văn Tiếng
Cộng tác:
Bs Phạm Công Hòa
Bs Nguyễn Văn Bảy