Chiều
ngày 23, 24 và 29/8/2023, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tổ chức Hội nghị phổ
biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh cho toàn thể viên chức và người lao động tại Bệnh
viện.
Tại
Hội nghị, BSCK2. Võ Thành Đông - Giám đốc Bệnh viện đã giới thiệu một số nội
dung cơ bản của Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ
họp bất thường lần thứ 2. Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 sẽ có hiệu
lực từ ngày 01/01/2024, Luật bao gồm 12 chương và 121 điều, tăng 3 chương và 30
điều so với Luật hiện hành.
Theo
đó, Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa kịp thời các
chủ trương của Đảng và Nhà nước như: Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và
nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Khắc phục những hạn chế, bất cập
còn tồn tại, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển; Nâng cao chất
lượng khám chữa bệnh cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng; Phát
triển dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, hội nhập với quốc tế; Tăng cường hiệu lực,
hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động
khám bệnh, chữa bệnh. Điểm nổi bật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là lấy
người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh,
bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và tư
nhân.
Giám
đốc Bệnh viện cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 15/2023/QH15 đã tháo gỡ được
nhiều vướng mắc, giải quyết những bất cập, đồng thời điều chỉnh một số nội dung
phù hợp với bối cảnh thực tế.
Bên
cạnh việc đảm bảo quyền lợi cho người bệnh cần đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm
của người hành nghề. Luật mới quy định thay đổi phương thức cấp giấy phép hành
nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm
tra đánh giá năng lực hành nghề. Giấy phép hành nghề được quy định có giá trị 5
năm. Cập nhật kiến thức y khoa là một trong những điều kiện bắt buộc để gia hạn.
So
với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, luật mới cũng bổ sung thêm một số đối tượng
phải được cấp giấy phép hành nghề bao gồm cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng
lâm sàng, tâm lý lâm sàng.
Luật
mới quy định về chuyên môn kỹ thuật cũng có nhiều điểm mới, bổ sung quy định
liên quan đến các hoạt động khám chữa bệnh lưu động, thử nghiệm lâm sàng. Đáng
chú ý, các điều kiện đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, Luật mới đã điều chỉnh,
phân cấp chuyên môn kỹ thuật từ 4 cấp hành chính (Trung ương, tỉnh, huyện, xã)
thành 3 cấp chuyên môn: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Quy định việc hỗ trợ đào
tạo các chuyên ngành cần thu hút gồm tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y
tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu…
Luật
cũng quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa
bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa
bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật,
đào tạo; áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải
kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm
soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết
quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên
cạnh đó, đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt
động khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, quy định cụ thể chính sách của Nhà nước
trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh: Có chính
sách khuyến khích, động viên người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh,
pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. Hỗ trợ 100% học phí
và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học đối với người học một trong các
chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và
hồi sức cấp cứu nếu học tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà
nước.
Phát
triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa để góp phần đạt được việc bao phủ sức
khỏe toàn dân bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận của người bệnh với các dịch
vụ y tế có chất lượng, hiệu quả về chi phí, mọi lúc mọi nơi. Các bệnh ít nghiêm
trọng, mạn tính cần được chăm sóc lâu dài và thường xuyên./. |